gads

Những mảng tối ở các dự án nạo vét đường thủy

13/09/2017

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cấp phép dự án nạo vét đường thủy kết hợp tận thu sản phẩm, nhưng sau đó, gần như “ngó lơ” cho các nhà thầu nạo vét cát sỏi.
Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ ngày 21.3, Bộ trưởng Bộ GTVT đã thông tin trong năm 2016 đã giao Thanh tra Bộ “cày xới” việc thực hiện các dự án nạo vét đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm. Đợt thanh tra được tiến hành cuối năm 2016 và được kết luận Thanh tra được ông Nguyễn Ngọc Đông – Thứ trưởng Bộ GTVT ký ban hành ngày 21.11.2016.

Theo đó, Bộ GTVT đã xác định “việc quản lý, giám sát của Cục Đường thủy nội địa đối với việc triển khai thực hiện dự án nạo vét tận thu sản phẩm còn nhiều hạn chế”. Ngay từ khâu khảo sát dự án, hàng loạt tồn tại trong đã được chỉ ra. Ví dụ như thiếu các số liệu đo khảo sát hiện trường; sản phẩm tận thu là cát mịn và cát hạt trung, không có bùn cát trong báo cáo kinh tế kỹ thuật; tất cả các thí nghiệm không được ký xác nhận, các lỗ khoan khảo sát không có chữ ký người thực hiện; không có nhật ký khoan địa chất. Bên cạnh đó, không có biên bản nghiệm thu khối lượng công việc tại hiện trường thực hiện giữa nhà đầu tư và đơn vị thực hiện.

Nhiều dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu cát được đăng ký nhưng chậm được triển khai. Ảnh: ENTERNEWS

Hầu hết các công ty không có báo cáo kết quả bảo vệ môi trường trong thời gian thi công. Thậm chí, có một số dự án nhà thầu thực hiện không có kế hoạch bảo vệ môi trường, không có hợp đồng với đơn vị xử lý chất thải trong quá trình thi công.

Trong quá trình thanh tra, Bộ GTVT cũng phát hiện số lượng, chủng loại phương tiện thi công tại thời điểm thanh tra không đủ so với hợp đồng. Đa số các phương tiện, thiết bị thi công do công ty thuê của các chủ phương tiện. Các công ty tham gia đều không lập bảng tiến độ thi công chi tiết và cam kết thực hiện đúng tiến độ theo yêu cầu của Bộ GTVT. Trong quá trình triển khai các dự án, Cục Đường thủy rất ít khi thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện mà giao phó cho các tư vấn giám sát.

Thế nhưng, theo Thanh tra Bộ GTVT trong các hợp đồng với đơn vị giám sát không nêu số lượng cán bộ giám sát, thiết bị giám sát. Thực hiện giám sát nhưng không có thiết bị, đề cương tư vấn giám sát sơ sài, không yêu cầu lập biện pháp thi công, tổ chức thi công cụ thể cho từng đoạn cạn, chưa xác nhận hiện trạng thi công của nhà đầu tư sau khi dừng thi công.

Sự “vô tư” trong quản lý của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam còn thể hiện cả ở các dự án chấm dứt hợp đồng hoặc bị tạm dừng. Cụ thể, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam báo cáo đã có văn bản yêu cầu chấm dứt 4 hợp đồng dự án, tạm dừng hợp đồng với 14 dự án đang triển khai nhưng lại không có tài liệu thể hiện. Ngoài ra, không có tài liệu thể hiện Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Hoàng Kim Việt đã chấm dứt hợp đồng dự án, đưa phương tiện, trang thiết bị ra khỏi khu vực công trường. Đối với việc tạm dừng 14 dự án đang triển khai cũng không có tài liệu thể hiện các nhà đầu tư đã dừng thực hiện và đưa phương tiện, trang thiết bị ra khỏi khu vực công trường.